Sparx* hướng đến xây dựng một nơi làm việc hòa nhập, nơi tất cả các thành viên, không phân biệt về xuất thân hay giới tính, đều cảm thấy có giá trị và được trao quyền để học hỏi và phát triển. Cùng nhau chúng tôi tạo nên những trải nghiệm đột phá trong ngành game.

Loạt bài về Women Game Changers là nơi chúng tôi giới thiệu những câu chuyện của các nữ Sparxer về sự nghiệp và trải nghiệm của họ trong thế giới Art & Game. Trong số này, Ngọc Hà, Pipeline Engineer đến từ team Technical Support sẽ chia sẻ về những trải nghiệm thú vị và khó khăn thi làm việc trong ngành art và game.

1. Cơ duyên nào đã dẫn Hà đến với ngành Game và gia nhập vào Sparx

Thật ra đây cũng là một cơ hội tình cờ vì trước đây mình chỉ thuần làm về code thôi. Mình*? vô tình thấy vị trí Pipeline Engineer khá thú vị của Sparx* và quyết định ứng tuyển ngay. Mình chưa bao giờ nghĩ là mình có thể hòa hợp trong môi trường mĩ thuật và game đầy màu sắc như hiện tại.

2. Điều Hà yêu thích nhất ở công việc hiện tại là gì?

Mỗi ngày ở studio mình được học thêm nhiều điều mới, giúp mình nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình để ngày một hoàn thiện và trưởng thành hơn. Điều vui nhất chính là thấy được đóng góp của mình có giá trị với các artist, team và dự án đều được chú ý ghi nhận.

3. Theo Hà, những yếu tố cần thiết để làm tốt vị trí Pipeline Engineer là gì?

Sự chủ động, theo mình, chính là yếu tố cần nhất cho vị trí này. Mình cần phải chủ động nêu lên vấn đề, đặt câu hỏi và chủ động xem xét xem có thể hỗ trợ viết tool gì cho dự án, xây dựng quy trình như thế nào để có thể tự động hóa nhiều thao tác nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án.

Có rất nhiều thứ cần phải học hỏi nên kĩ năng tự học cũng phải được cải thiện. Mình đã học thêm nhiều ngôn ngữ lập trình dùng trong các engine mà studio đang dùng và cả những engine hay pipeline mới nữa.

4. Khó khăn mà Hà thường gặp trong công việc là gì? Và Hà thường giải quyết những vấn đề đó như thế nào?

Khó khăn lớn nhất đối với mình có lẽ là điều tiết cảm xúc trong công việc. Đôi khi mình cảm thấy ngợp vì gặp quá nhiều thứ mới lạ nên đã tìm cách chia sẻ với đồng nghiệp và anh quản lý. Mình sẵn sàng đón nhận lời khuyên hay chỉ trích từ mọi người để nhìn nhận vấn đề và chia nó ra từng phần để giải quyết.

Mình coi vậy chứ cũng khá “lì đòn” nên nếu cách này thất bại mình lại chuyển cách khác tới khi nào xong thì thôi.

5. Mảng công nghệ thường được ngầm hiểu như là một lĩnh vực bị thống trị bởi nam giới (male-dominated) và tỉ lệ nữ giới tham gia ngành luôn khiêm tốn so với nam. Hà nghĩ gì về điều này?

Ngành công nghệ thay đổi rất nhanh, dù là ai thì cũng phải học hỏi không ngừng. Ngành này đòi hỏi bạn phải có tư duy logic, nhất là trong toán học, môn học thường được các bạn nam yêu thích hơn. Mình nghĩ đó là một trong những lý do mà tỉ lệ nam trong ngành này lại cao hơn.

Khi tham gia ngành, bất lợi lớn nhất đối với phái nữ là còn phải lo nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống như sức khỏe, công việc, gia đình cho nên cũng khó mà ôm máy code suốt được.

Tuy nhiên, phái nữ cũng có những lợi thế riêng. Khi chúng ta thích sự gọn gàng và tinh giản nên có nhiều vấn đề mình tiếp cận ở các góc độ đơn giản hơn và giải quyết nhanh chóng hơn so với các anh.

Tóm lại thì mình tin chỉ cần làm được công việc mình yêu thì khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua thôi.

6. Trong quá trình Hà làm việc tại Sparx*, studio đã hỗ trợ và trao quyền cho Hà thực hiện công việc và thể hiện năng lực của mình như thế nào?

Về kĩ năng chuyên ngành, studio luôn tạo điều kiện để mình cũng như mọi người tiếp cận những kiến thức mới. Mình được studio cung cấp đủ các chương trình đào tạo bài bản và hỗ trợ học phí các khóa học trực tuyến. Mình có thời gian để học và thực hành, trải nghiệm những thứ mới và khắc phục sai lầm.

Về mặt tinh thần, mình thấy studio còn có các hoạt động như là gắn kết và tặng quà dành cho nữ giới. Mọi người cũng hay hỏi thẳng về sức khỏe tinh thần của nhau. Với những sự hỗ trợ như vậy, minh luôn cảm thấy vui vẻ và sẵn sàng hết mình cho công việc mỗi ngày dù khó khăn như thế nào.

Về đánh giá năng lực, bộ phận Technical Support cũng như các bộ phận sẽ có tiêu chí đánh giá riêng và công khai. Quản lý trực tiếp của mình luôn minh bạch và công tâm để đánh giá đúng thực lực của từng thành viên. Mình cảm thấy rất vui khi được cạnh tranh và hợp tác công bằng với các đồng nghiệp.

7. Hà nghĩ để thu hút thêm các bạn nữ tham gia ngành Game/Tech, thì chúng ta nên làm hay thay đổi gì không?

Mình tin rằng một trong những điều kiện tiên quyết để thu hút một người vào ngành chính là sự đam mê với ngành của bản thân người đó, dù là nam hay nữ. Nếu bản thân họ không thích thì sao mình ép được chứ, đúng không?  Vậy việc của chúng ta chính là tìm kiếm được những người phù hợp đó ở khắp các kênh tiềm năng.

Nhưng giữ được người cũng khó như tìm người vậy. Bên cạnh một môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện, chúng ta còn cần cả sự quan tâm chu đáo và bảo vệ từ tinh thần đến thể chất. Đặc biệt là các bạn đồng nghiệp luôn yêu quý, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ nhau.

8. Hãy chia sẻ với mọi người về cuốn sách mà Hà tâm đắc nhất nhé!

Nhờ có đợt giãn cách vừa qua mà mình đã có dịp dọn lại tủ sách mình đã tích lũy từ lâu.

Dạo gần đây mình mê cả 2 cuốn “The subtle art of not giving a […]” của Mark Manson và “How to stop worrying and start living” của Dale Carnegie.

Cuốn đầu tiên sẽ giúp mình nhìn nhận cuộc sống ở góc độ khác đi để thấy rằng nếu cuộc sống có tiêu cực sẽ là chuyện bình thường và cuối đường luôn luôn có ngả rẽ để đi. Cuốn thứ hai giúp mình chủ động thêm sự tích cực vào để thấy rằng cuộc sống thật sự rất thú vị.